(LĐKS)-Những thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra như bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất…vô cùng lớn. Không chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần và tính mạng con người. Chắc không ai trong chúng ta có thể quên những mất mát đau thương mà thiên tai những năm gần đây gây ra đặc biệt là mưa lũ năm 2020 tại các tỉnh miền Trung như vụ Rào Trăng 3.

Trước những hậu quả vô cùng lớn do thiên tai để lại, với vai trò là một đơn vị hoạt động gần 40 năm trong ngành Khí tượng Thủy văn, Liên đoàn Khảo sát KTTV luôn ý thức được trách nhiệm trong từng nhiệm vụ được giao. Bởi đó không chỉ là nhiệm vụ chính trị cần hoàn thành, mà đó còn là trách nhiệm làm sao để hoàn thành tốt hơn nữa, làm sao để có thể làm giảm nhẹ được những thiệt hại mà bão, lũ, thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà những người làm công tác Khảo sát KTTV như chúng tôi hướng đến.
Chúng tôi làm gì khi bão lũ xuất hiện?
1. Chủ động, tích cực cập nhật thông tin về các rủi ro thiên tai.

Luôn chủ động phối hợp với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các đơn vị chức năng khác, cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về thiên tai có nguồn gốc KTTV để có phương án ứng phó kịp thời.
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện
Ngay khi nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào khu vực biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, ngay lập tức Lãnh đạo Liên đoàn chỉ đạo Phòng Khí tượng Thủy văn và Môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện một số nội dung như:
- Dự kiến các vị trí khảo sát bão, vị trí đặt trạm đo: Vị trí này cần đảm bảo thông thoáng, không có vật cản ảnh hưởng đến các yếu tố đo, dễ dàng lắp đặt và thuận tiện di chuyển. Phòng đặt Datalogger cũng là phòng làm việc của tổ đo phải đảm bảo chắc chắn, các cửa sổ và cửa ra vào phải được gia cố, chằng néo, có khả năng chống chịu được gió bão trên cấp 14 hoặc các tình hướng thời tiết nguy hiểm khác, đặc biệt phải đảm bảo an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.
- Lập Kế hoạch khảo sát bão tại các vị trí đã xác định, phân công Quan trắc viên đi khảo sát bão tại thực địa
- Rà soát, chuẩn bị trang thiết bị phục vụ công tác khảo sát bão, đặc biệt là chuẩn bị Trạm Khí tượng Tự động.

Ngay sau khi nhận được vị trí khảo sát bão từ Lãnh đạo Liên đoàn, các quan trắc viên di chuyển đến vị trí và tiến hành lắp đặt trạm khí tượng tự động, phát thử số liệu và sẵn sàng chờ lệnh từ lãnh đạo Liên đoàn. Mọi thủ tục, quy trình đều được đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định.
Tiến hành trực 24/24, tuân thủ nghiêm túc theo quy định làm việc của Liên đoàn. Thực hiện quan trắc theo các chế độ 3h/ lần, 1h/ lần và trường hợp đặc biệt sẽ là 15phút/ lần và theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên . Mọi số liệu quan trắc, thu thập được sẽ được báo cáo ngay lập tức vào Group Ban Chỉ huy PCLB (Phòng chống lụt bão) của Liên đoàn và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
3. Nhiệm vụ sau khi mưa lũ
Mỗi cơn bão, trận lũ đi qua, các quan trắc viên sẽ tiếp tục công việc của mình. Đó là:
- Điều tra, khảo sát tình hình thiệt hại sau mưa bão
- Đánh dấu vết lũ, ngập lụt: Các ký hiệu vết lũ được đánh dấu có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu xây dựng các bản đồ ngập lụt thực tế (thay vì bản đồ được giải đoán từ ảnh vệ tinh), đặc biệt là những trận lũ lớn, lũ lịch sử. Nó có ý nghĩa quan trọng trong định hướng quy hoạch phát triển KT-XH ở một khu vực nhất định.

- Điều tra về hiện trạng sạt lở đất, lũ quét;
- Khảo sát tình hình an sinh xã hội và các thông tin có liên quan đến KTTV …
Đây là một trong số những nhiệm vụ mà cán bộ Khảo sát KTTV đang ngày đêm thực hiện để góp phần hỗ trợ công tác dự báo KTTV, phục vụ ngành, địa phương góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra trên địa bàn, nơi bị ảnh hưởng bởi những cơn bão, trận lũ.
Những năm vừa qua, Liên đoàn đã hoạt động rất tích cực trong việc khảo sát bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Gần đây nhất phải kể đến là đợt mưa lũ Miền Trung diễn ra vào hồi tháng 10 năm 2020. Liên đoàn là một trong những đơn vị luôn bám sát diễn biến của bầu trời, mặt đất sự bất thường của dòng sông, con suối để dự báo thông tin thời tiết hiện trường một cách chính xác, kịp thời, góp phần đảm bảo cho công tác tìm kiếm người mất tích tại các vùng trọng điểm về mưa lũ, sạt lở đất tại Rào Trăng (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) hay Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) diễn ra an toàn, hiệu quả.
Hay vào thời gian cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2019, ảnh hưởng của cơn bão số 3, Lũ cuốn trôi 20 căn nhà và 17 người dân Thanh Hóa…cùng rất nhiều những thiệt hại khác. Khi ấy, các quan trắc viên của Liên đoàn Khảo sát KTTV cũng đang thực hiện nhiệm vụ đo Khảo sát cơn bão số 3 và điều tra Khảo sát tình hình thiệt hại sau mưa bão tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa. Tại nơi đây, họ đã không quản khó khăn, vất vả, tham gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con…về cả vật chất và tinh thần.

Và rất nhiều những lần khác nữa. Bởi mỗi lần bão, lũ đi qua, để lại vô vàn những hậu quả, nhẹ có, nặng có, thương vong có.
Thời gian tới đây là thời gian mưa, bão, lũ sẽ xuất hiện nhiều hơn. Liên đoàn đã, đang và luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đo khảo sát bão, cung cấp số liệu cho Trung tâm dự báo KTTV quốc gia cùng các đơn vị chức năng liên quan phục vụ công tác dựu báo, cảnh báo các rủi ro do thiên tai có yếu tố KTTV gây ra cùng các nhiệm vụ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.